Trên thực tế có nhiều trường hợp có thể yêu cầu thay đổi quyền nuôi con sau khi ly hôn. HD Luật & Fdico sẽ đưa ra một số hướng dẫn về thủ tục thay đổi quyền nuôi con sau ly hôn theo quy định mới nhất của pháp luật dưới đây:
- Quyền nuôi con sau ly hôn.
Theo quy định tại điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau:
Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn
1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.Theo dẫn chiếu trên, việc con dưới 36 tháng tuổi sẽ được giao trực tiếp cho mẹ nuôi, còn lại quyền nuôi con của cả hai vợ chồng là như nhau. Trước khi xác định ai là người được nuôi con khi hai vợ chồng ly hôn thì trước tiên vợ chồng sẽ phải thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên đối với con. Trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ tiến hành xét xử và ra quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi khi bên nào có điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của con. Những điều kiện thường xét đến như:
Điều kiện về vật chất như: Ăn, ở, sinh hoạt, điều kiện học tập…
Điều kiện về tinh thần như: Thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con, tình cảm đã dành cho con từ trước đến nay, điều kiện cho con vui chơi giải trí, nhân cách đạo đức, trình độ học vấn … của cha mẹ.
Tóm lại, việc vợ chồng ly hôn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của con trẻ khi luôn thiếu đi tình cảm của cha mẹ, không được hưởng trọn vẹn sự yêu thương, chăm sóc và đùm bọc, không có được một mái ấm gia đình theo đúng nghĩa. Khi vợ chồng ly hôn, nếu không thể tự thỏa thuận về việc ai sẽ là người trực tiếp nuôi con thì Tòa án sẽ tiến hành xét xử và ra quyết định giao con cho một trong hai bên khi xét thấy điều kiện về vật chất và điều kiện về tinh thần của con được tốt nhất nếu được sống với người đó.
- Điều kiện thay đổi quyền nuôi con sau ly hôn:
Khoản 2 Điều 84 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định các căn cứ để thay đổi quyền nuôi con sau khi ly hôn gồm:
- Sau khi ly hôn, cha và mẹ có thỏa thuận thay đổi người trực tiếp nuôi con để đảm bảo lợi ích lớn nhất cho con.
- Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện để đảm bảo quyền lợi về mọi mặt cho con trong việc chăm sóc, trông nom, nuôi dưỡng, giáo dục con.
- Nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
Đặc biệt, khoản 4 Điều 84 Luật Hôn nhân và Gia đình có quy định: Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.
Trong đó, con chỉ được giao cho người giám hộ theo căn cứ tại khoản 1 Điều 47 Bộ luật Dân sự khi cha, mẹ bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền với con, cha mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con, cha mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự… và có yêu cầu người giám hộ.
Như vậy, nếu thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì cha, mẹ có thể yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.
- Ai được yêu cầu thay đổi quyền nuôi con sau ly hôn?
Sau khi ly hôn, Tòa án sẽ giao quyền trực tiếp nuôi con cho một trong hai bên vợ hoặc chồng có đủ điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Do đó, khi yêu cầu thay đổi quyền nuôi con, trước hết người có quyền sẽ là cha, mẹ của đứa trẻ đó.
Cụ thể tại khoản 1 Điều 84 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định: "Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con."
Theo quy định này, người có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn là cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức khác.
Trong đó, căn cứ khoản 5 Điều 84 Luật Hôn nhân và Gia đình, nếu người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì các cá nhân, tổ chức sau đây có quyền thay đổi người trực tiếp nuôi con gồm:
- Người thân thích. Khoản 19 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình giải thích, đây là người có quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng, có cùng dòng máu về trực hệ và có họ trong phạm vi ba đời. Do đó, người thân thích có thể là ông, bà, cô, dì, chú, cậu, mợ…
- Cơ quan quản lý Nhà nước về gia đình, trẻ em: Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch…
- Hội Liên hiệp phụ nữ.
- Thủ tục thay đổi quyền nuôi con sau ly hôn
Việc thay đổi quyền nuôi con sau ly hôn là một trong những thủ tục tố tụng dân sự. Do đó, thủ tục này được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự như sau:
3.1. Thẩm quyền giải quyết
Theo quy định tại Điều 84 Luật Hôn nhân và Gia đình, việc thay đổi quyền nuôi con sau khi ly hôn có thể là vụ án tranh chấp nếu cha, mẹ không thỏa thuận được hoặc do người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện dẫn đến người còn lại hoặc cá nhân, tổ chức khác phải khởi kiện để thay đổi người nuôi con.
Theo đó, tranh chấp (không thỏa thuận được mà phải khởi kiện) hay yêu cầu (thỏa thuận được) về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn đều thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Căn cứ khoản 1 và khoản 2 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết việc tranh chấp hoặc yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Đồng thời, điểm i khoản 2 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định:
" i) Tòa án nơi một trong các bên thoả thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận sự thoả thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.
Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn thì Tòa án nơi người con đang cư trú có thẩm quyền giải quyết;"
Như vậy, thẩm quyền giải quyết thay đổi quyền nuôi con sau ly hôn là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi một trong hai bên thỏa thuận thay đổi nuôi con cư trú, làm việc hoặc Tòa án cấp huyện nơi người con đang cư trú.
3.2 Hồ sơ thay đổi quyền nuôi con
- Đơn yêu cầu thay đổi quyền nuôi con hoặc đơn khởi kiện yêu cầu thay đổi quyền nuôi con.
- Quyết định, bản án ly hôn đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
- Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu còn hạn, sổ hộ khẩu.
- Giấy khai sinh của con.
- Các chứng cứ chứng minh cho việc khởi kiện thay đổi quyền trực tiếp nuôi con (áp dụng trong trường hợp hai bên không thỏa thuận được hoặc khởi kiện thay đổi quyền nuôi con khi người đang trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện để nuôi con).
3.3 Thời gian giải quyết
Tùy vào từng hình thức yêu cầu thay đổi người nuôi con sau ly hôn sẽ quyết định thời gian giải quyết nhanh hay chậm:
- Khởi kiện: Thông thường thời gian giải quyết sẽ là 04 - 06 tháng.
- Yêu cầu: Thông thường thời gian giải quyết sẽ là 02 - 03 tháng.
Tuy nhiên, thực tế có thể thời gian giải quyết ngắn hoặc hoặc dài hơn tùy vào từng trường hợp cụ thể.
3.4 Án phí, lệ phí thay đổi quyền nuôi con
Theo Nghị quyết 326/2016/NQ-UBTVQH14, án phí và lệ phí thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn đều là 300.000 đồng.
- Dịch vụ tư vấn ly hôn của chúng tôi
Liên hệ Luật sư tư vấn Hôn nhân và gia đình để giúp bạn giảm bớt gánh nặng thủ tục ly hôn. HD Luât & Fdico có các dịch vụ tư vấn về ly hôn mà khách hàng quan tâm nhất:
– Tư vấn soạn thảo mẫu đơn ly hôn đơn phương
– Tư vấn soạn thảo mẫu đơn thuận tình ly hôn
– Tư vấn thủ tục ly hôn
– Tư vấn về phân chia tài sản
– Tư vấn giành quyền nuôi con và nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn
Để được tư vấn hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời, liên hệ ngay Hotline – 0988.073.181