CÔNG TY TNHH CÓ ĐƯỢC MUA LẠI DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN ĐỂ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH KHÔNG?

13/01/2025

1. Quy định về đặc điểm và mua bán doanh nghiệp tư nhân

Căn cứ theo Điều 192 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về Bán doanh nghiệp tư nhân như sau:

  1. Chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền bán doanh nghiệp tư nhân của mình cho cá nhân, tổ chức khác.
  2. Sau khi bán doanh nghiệp tư nhân, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp tư nhân phát sinh trong thời gian trước ngày chuyển giao doanh nghiệp, trừ trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân, người mua và chủ nợ của doanh nghiệp tư nhân có thỏa thuận khác.
  3. Chủ doanh nghiệp tư nhân, người mua doanh nghiệp tư nhân phải tuân thủ quy định của pháp luật về lao động.
  4. Người mua doanh nghiệp tư nhân phải đăng ký thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân theo quy định của Luật này.

Dựa theo quy định trên thì chủ doanh nghiệp có thể bán công ty cho cá nhân, tổ chức khác. Vì vậy, công ty TNHH hoàn toàn có quyền mua lại doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, loại hình doanh nghiệp này có đặc thù cần lưu ý tại Điều 188 Luật Doanh nghiệp 2020 như sau: 

  1. Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
  2. Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.
  3. Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh.
  4. Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.

Theo như nội dung hướng dẫn trên, có thể thấy rằng doanh nghiệp tư nhân là do cá nhân làm chủ. Vì vậy, khi công ty TNHH mua lại doanh nghiệp tư nhân thì không thể tiếp tục hoạt động dưới tư cách doanh nghiệp tư nhân được mà phải làm thủ tục chuyển đối doanh nghiệp.

2. Điều kiện chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân sang công ty TNHH

Căn cứ theo khoản 1 Điều 205 Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp tư nhân có thể chuyển đổi thành công ty TNHH theo quyết định của chủ doanh nghiệp tư nhân nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

  1. Doanh nghiệp tư nhân có thể chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần hoặc công ty hợp danh theo quyết định của chủ doanh nghiệp tư nhân nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
    a) Doanh nghiệp được chuyển đổi phải có đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật Doanh nghiệp 2020 bao gồm 
  • Ngành, nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh.
  • Tên của doanh nghiệp được đặt theo đúng quy định tại các Điều 37, 38, 39 và 41 Luật Doanh nghiệp 2020. 
  • Có hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hợp lệ.
  • Nộp đủ lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
    b) Chủ doanh nghiệp tư nhân cam kết bằng văn bản chịu trách nhiệm cá nhân bằng toàn bộ tài sản của mình đối với tất cả khoản nợ chưa thanh toán và cam kết thanh toán đủ số nợ khi đến hạn;
    c) Chủ doanh nghiệp tư nhân có thỏa thuận bằng văn bản với các bên của hợp đồng chưa thanh lý về việc công ty được chuyển đổi tiếp nhận và tiếp tục thực hiện các hợp đồng đó;
    d) Chủ doanh nghiệp tư nhân cam kết bằng văn bản hoặc có thoả thuận bằng văn bản với các thành viên góp vốn khác về việc tiếp nhận và sử dụng lao động hiện có của doanh nghiệp tư nhân.

3. Một số lưu ý khi công ty TNHH mua lại doanh nghiệp tư nhân

Căn cứ theo khoản 3 Điều 205 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định rằng: 3. Công ty được chuyển đổi đương nhiên kế thừa quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp tư nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp tư nhân chịu trách nhiệm cá nhân bằng toàn bộ tài sản của mình đối với tất cả khoản nợ phát sinh trước ngày công ty được chuyển đổi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Theo khoản 5 Điều 26 Nghị định 01/2021/NĐ-CP thì:

  •  Doanh nghiệp có thể đăng ký chuyển đổi loại hình doanh nghiệp đồng thời đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.

Trong trường hợp này, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp thực hiện tương ứng theo quy định tại các khoản 1 Điều 26 Nghị định 01/2021/NĐ-CP.

Trường hợp doanh nghiệp đăng ký chuyển đổi loại hình doanh nghiệp đồng thời đăng ký thay đổi người đại diện theo pháp luật thì người ký hồ sơ là:

  • Chủ tịch Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên của công ty sau chuyển đổi.
  • Chủ tịch công ty hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên của công ty sau chuyển đổi.

4. Thành phần hồ sơ đăng ký doanh nghiệp khi chuyển đổi loại hình doanh nghiệp

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân được thực hiện như sau:

  1. Trường hợp chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, hồ sơ đăng ký chuyển đổi bao gồm các giấy tờ quy định tại các Điều 22, 23 và 24 Nghị định này, trong đó không bao gồm Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư quy định tại điểm b khoản 4 Điều 22, điểm c khoản 4 Điều 23 và điểm c khoản 3 Điều 24 Nghị định này. Kèm theo hồ sơ phải có các giấy tờ sau đây:
    a) Cam kết bằng văn bản của chủ doanh nghiệp tư nhân về việc chịu trách nhiệm cá nhân bằng toàn bộ tài sản của mình đối với tất cả khoản nợ chưa thanh toán và cam kết thanh toán đủ số nợ khi đến hạn;
    b) Thỏa thuận bằng văn bản của chủ doanh nghiệp tư nhân với các bên của hợp đồng chưa thanh lý về việc công ty được chuyển đổi tiếp nhận và tiếp tục thực hiện các hợp đồng đó;
    c) Cam kết bằng văn bản hoặc thỏa thuận bằng văn bản của chủ doanh nghiệp tư nhân với các thành viên góp vốn khác về việc tiếp nhận và sử dụng lao động hiện có của doanh nghiệp tư nhân;
    d) Hợp đồng chuyển nhượng hoặc các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng trong trường hợp chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp tư nhân; Hợp đồng tặng cho trong trường hợp tặng cho vốn của doanh nghiệp tư nhân; Bản sao văn bản xác nhận quyền thừa kế hợp pháp của người thừa kế trong trường hợp thừa kế theo quy định của pháp luật;
    đ) Văn bản của Cơ quan đăng ký đầu tư chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đối với trường hợp phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp theo quy định của Luật Đầu tư.

Trên đây là những vấn đề pháp luật về chuyển đổi loại hình doanh nghiệp theo pháp luật hiện hành. Nếu có thắc mắc hoặc cần tư vấn thêm về vấn đề này, hãy liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại 988.073.181/0984.88.831 hoặc email lawyers@hdluat.com – doanhnghiep@hdluat.com. HD Luật luôn sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc và đưa đến cho Quý khách hàng những thông tin hữu ích nhất. Rất mong được hợp tác với Quý khách hàng.

Cùng danh mục

DOANH NGHIỆP SỬ DỤNG NHIỀU LAO ĐỘNG NỮ HOẠT ĐỘNG TRONG NHỮNG LĨNH VỰC NÀO THÌ ĐƯỢC GIẢM THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP?

Việc sử dụng nhiều lao động nữ là một trong những yếu tố quan trọng được nhà nước khuyến khích nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển bền vững. Trong lĩnh vực thuế, các doanh nghiệp có tỷ lệ lao động nữ cao có thể nhận được những ưu đãi đặc biệt về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Vậy, doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực nào sẽ được hưởng lợi từ chính sách giảm thuế này? Hãy cùng HD Luật tìm hiểu trong bài viết sau. 

TÁCH DOANH NGHIỆP

Tách doanh nghiệp là một giải pháp hiệu quả khi các đơn vị kinh doanh cần độc lập để phát triển tối ưu. Quá trình này không chỉ giúp doanh nghiệp linh hoạt hơn mà còn tạo điều kiện để mỗi phần đạt được lợi thế cạnh tranh riêng. Vậy việc này được pháp luật quy định như thế nào, hãy cũng HD Luật tìm hiểu qua bài viết sau.