Có rất nhiều loại hình doanh nghiệp cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng như các nhà đầu tư trong nước lựa chọn để tiến hành hoạt động kinh doanh, tuy nhiên lựa chọn loại hình nào cho phù hợp thì lại không phải là một vấn đề dễ dàng. Mỗi loại doanh nghiệp lại có những đặc điểm pháp lý riêng, những ưu điểm và nhược điểm riêng, phù hợp với từng đối tượng cụ thể, do vậy cần cân nhắc kĩ lưỡng những ưu điểm và nhược điểm của từng loại hình để lựa chọn cho đúng đắn. HD Luật sẽ giúp quý khách đưa ra quyết định đúng đắn nhất. Trước hết là về loại hình Doanh nghiệp tư nhân
Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
1. Về đặc điểm pháp lý
- Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp một chủ: Đặc điểm này được thể hiện ở các yếu tố sau:
- Về sở hữu vốn: Toàn bộ vốn của doanh nghiệp là do chủ sở hữu doanh nghiệp tự bỏ ra để tiến hành kinh doanh (chủ doanh nghiệp là một cá nhân).
- Về quyền quản lý công ty: Chủ sở hữu DNTN là người có toàn quyền quyết định đối với mọi hoạt động kinh doanh của công ty, từ việc lựa chọn ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp mình, lựa chọn quy mô của doanh nghiệp, cơ cấu tổ chức của công ty đến việc quyết định các vấn đề trong quá trình hoạt động của công ty hay định đoạt số phận của công ty như cho thuê, bán, giải thể,… công ty.
- Về phân phối lợi nhuận: Chủ sở hữu DNTN là người được hưởng toàn bộ lợi nhuận do hoạt động của doanh nghiệp tạo ra.
- Trách nhiệm tài sản của chủ doanh nghiệp: Chủ sở hữu DNTN chịu trách nhiệm vô hạn về mọi khoản nợ và các nghĩa vụ tài chính khác của công ty. Tức là nếu trong quá trình sản xuất, kinh doanh công ty bị thua lỗ và không đủ khả năng trả nợ thì chủ DNTN sẽ phải dùng tài sản của mình để trả nợ và trả đến bao giờ hết thì thôi.
- DNTN không có tư cách pháp nhân (do không có sự tách bạch giữa tài sản của doanh nghiệp và chủ sở hữu DNTN)
2. Ưu điểm và hạn chế của loại hình doanh nghiệp này
- Ưu điểm:
- DNTN chỉ có một chủ sở hữu duy nhất nên người chủ sở hữu này hoàn toàn chủ động trong việc quyết định bất cứ vấn đề gì liên quan đến hoạt động kinh doanh của DNTN. Do đó việc quyết định các vấn đề trong kinh doanh rất dễ dàng, nhanh chóng, không phải lo đến vấn đề xung đột ý kiến giữa các đồng chủ sở hữu như các loại hình doanh nghiệp khác.
- Toàn bộ lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh sẽ thuộc về một mình chủ sở hữu doanh nghiệp.
- Chỉ có chủ sở hữu DNTN phải đóng thuế thu nhập còn doanh nghiệp không phải đóng thuế. Việc này đem lại lợi ích rất lớn cho chủ sở hữu DNTN bởi vì chủ DNTN không phải chịu hai lần thuế như các chủ sở hữu loại hình doanh nghiệp khác.
- Cơ cấu tổ chức của DNTN đơn giản, gọn nhẹ.
- Chế độ trách nhiệm vô hạn của chủ DNTN tạo ra sự tin tưởng cho các đối tác và khách hàng của DNTN, thu hút sự hợp tác kinh doanh của các chủ thể này.
- Nhược điểm:
- DNTN không có tư cách pháp nhân, điều này làm cho phạm vi hoạt động kinh doanh của DNTN bị giới hạn hơn so với các loại hình doanh nghiệp còn lại. Theo đó, DNTN không được tham gia các hoạt động hợp tác, đầu tư, đấu thầu… và các hoạt động khác yêu cầu doanh nghiệp có tư cách pháp nhân mới được tham gia.
- Chính vì chế độ trách nhiệm tài sản vô hạn mà mức độ rủi ro đối với chủ DNTN cao hơn rất nhiều so với chủ sở hữu các loại hình doanh nghiệp khác. Đây là lí do quan trọng nhất khiến cho các nhà đầu tư nước ngoài khi tiến hành hoạt động đầu tư kinh doanh ở Việt Nam hầu như không lựa chọn loại hình doanh nghiệp này để thành lập công ty.
- Do không có sự liên kết góp vốn, vốn của công ty là do chủ sở hữu DNTN tự mình bỏ ra, cho nên tổng số vốn kinh doanh thường ít, chỉ đáp ứng được những hoạt động kinh doanh có quy mô nhỏ lẻ.
- Do mọi hoạt động của công ty do chủ sở hữu DNTN toàn quyền quyết định nên quyết định đưa ra thường độc đoán, thiếu tính khách quan, không đảm bảo hiệu quả trong suốt quá trình hoạt động của công ty.
Kết luận: Xét về tổng thể, loại hình doanh nghiệp này chỉ phù hợp để đầu tư kinh doanh nhỏ lẻ, rủi ro lại rất cao nên các nhà đầu tư nước ngoài thường không lựa chọn loại hình doanh nghiệp này. Tuy nhiên do pháp luật không cấm nên nếu cảm thấy loại hình này phù hợp thì các nhà đầu tư nước ngoài hoàn toàn có thể lựa chọn loại hình này để tiến hành hoạt động kinh doanh. Nhưng trước khi lựa chọn cần cân nhắc kĩ lưỡng để tránh những rủi ro sau này.
Trên đây là những lưu ý về thủ tục chuyển địa chỉ trụ sở văn phòng đại diện theo quy định pháp luật hiện hành. Nếu có thắc mắc hoặc cần tư vấn thêm về vấn đề này, hãy liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại 0988.073.181/0984.588.831 hoặc email lawyers@hdluat.com - doanhnghiep@hdluat.com. HD Luật luôn sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc và đưa đến cho Quý khách những thông tin hữu ích nhất. Rất mong được hợp tác với Quý khách hàng!