MỘT DOANH NGHIỆP CÓ THỂ THÀNH LẬP TỐI ĐA BAO NHIÊU CHI NHÁNH

14/06/2024

Căn cứ pháp lý

– Luật Doanh nghiệp 2020;

– Nghị định số 01/2021/NĐ-CP của Chính phủ: Về đăng ký doanh nghiệp.

Chi nhánh doanh nghiệp là gì?

Khoản 1 Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2020 định nghĩa: “Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp”.

Một doanh nghiệp được có thể thành lập bao nhiêu chi nhánh?

Khoản 1 Điều 45 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: “Doanh nghiệp được pháp luật cho phép thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện ở trong nước và nước ngoài. Doanh nghiệp có thể đặt một hoặc nhiều chi nhánh, văn phòng đại diện tại một địa phương theo địa giới đơn vị hành chính”.

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 và các văn bản hướng dẫn liên quan thì hiện nay pháp luật không có quy định hạn chế về số lượng chi nhánh của một doanh nghiệp. Như vậy, doanh nghiệp có thể đăng ký thành lập không giới hạn số lượng chi nhánh, tuy nhiên số lượng này sẽ được căn cứ vào nhiều yếu tố khác nhau, tùy thuộc vào khả năng và nhu cầu kinh doanh của doanh nghiệp. 

Về phạm vi đặt chi nhánh, doanh nghiệp có thể đặt ở trong nước hoặc nước ngoài và hoàn toàn có thể đặt một hoặc nhiều chi nhánh tại một địa phương theo địa giới đơn vị hành chính. 

Lưu ý: Chi nhánh, văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, không phải là pháp nhân. Người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của pháp nhân trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền.

Hồ sơ đăng ký hoạt động chi nhánh 

Để có thể đăng ký hoạt động chi nhánh thì ngoài đảm bảo đầy đủ các điều kiện thành lập theo luật định thì còn phải hoàn tất hồ sơ hợp lệ đã được quy định tại Khoản 1 Điều 31 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, cụ thể các giấy tờ sau đây:

- Thông báo thành lập chi nhánh do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký;

- Bản sao nghị quyết, quyết định, bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, của Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần; Nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty TNHH một thành viên;

- Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đứng đầu chi nhánh.

Thủ tục đăng ký hoạt động chi nhánh doanh nghiệp

- Bước 1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ:

Doanh nghiệp khi có nhu cầu thành lập chi nhánh thì chuẩn bị giấy tờ đã được quy định và nộp hồ sơ đăng ký hoạt động chi nhánh tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đặt chi nhánh.

- Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ:

Phòng Đăng ký kinh doanh khi tiếp nhận hồ sơ thì phải tiến hành xem xét và đánh giá trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh. Còn trong trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh có nghĩa vụ thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp đề nghị hoàn tất yêu cầu này;

Liên quan đến việc lập chi nhánh ở nước ngoài thực hiện theo quy định của pháp luật nước đó. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày chính thức lập chi nhánh ở nước ngoài, thì việc thông báo thành lập chi nhánh của doanh nghiệp phải được gửi đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính thông qua văn bản. Cùng với đó, cần gửi kèm theo thông báo phải có bản sao Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh hoặc giấy tờ tương đương.

- Bước 3: Công khai thông tin thành lập chi nhánh

Khi doanh nghiệp có thêm chi nhánh được thành lập thì sau khi thông báo cho Phòng Đăng ký kinh doanh, cơ quan này sẽ tiến hành cập nhật thông tin về chi nhánh của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo.

 

Cùng danh mục

TẠM NGỪNG KINH DOANH CÓ ĐƯỢC KÝ HỢP ĐỒNG, XUẤT HÓA ĐƠN?

Việc tạm ngừng kinh doanh là một lựa chọn của nhiều doanh nghiệp khi đối mặt với khó khăn hoặc cần thời gian tái cấu trúc hoạt động. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là trong giai đoạn này, doanh nghiệp có được phép ký kết hợp đồng, xuất hóa đơn hay không? Hãy cùng HD Luật tìm hiểu trong bài viết dưới đây. 

DOANH NGHIỆP ĐƯỢC CẤP LẠI GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ DOANH NGHIỆP TRONG TRƯỜNG HỢP NÀO?

Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp có thể gặp phải các tình huống cần được cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp để tiếp tục duy trì tính hợp pháp. Việc cấp lại này thường xuất phát từ các nguyên nhân như mất, hỏng, hoặc thay đổi thông tin trên giấy chứng nhận. Hãy cùng HD Luật tìm hiểu qua bài viết sau để hiểu rõ hơn về vấn đề này.