Xã hội ngày càng phát triển, nền kinh tế thị trường đang dần được mở rộng mạnh mẽ, các nhà đầu tư đang có xu hướng mở rộng quy mô kinh doanh, phủ rộng các quốc gia trên thế giới. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp, nhu cầu hình thành các hình thức quản lý rủi ro, bảo vệ cá nhân và các doanh nghiệp được mọi người quan tâm hơn. Chính phủ đã ban hành các Điều luật, Nghị định và Thông tư hướng dẫn về việc thực hiện các vấn đề pháp lý của doanh nghiệp bảo hiểm. Bài viết dưới đây tập trung tìm hiểu, nghiên cứu về "Mức vốn điều lệ tối thiểu với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm"
1/ Căn cứ pháp lý
- Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000, sửa đổi bổ sung năm 2010;
- Nghị định 46/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2022
- Thông tư 50/2017/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 73/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.
2/ Thế nào là doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm?
- Doanh nghiệp bảo hiểm là doanh nghiệp được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm và luật khác có liên quan để kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm bao gồm doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe.
- Theo quy định về bảo hiểm thì có thể hiểu tái bảo hiểm là hình thức nhà bảo hiểm sử dụng để chuyển một phần trách nhiệm đã chấp nhận với người được bảo hiểm cho nhà bảo hiểm khác, trên cơ sở nhượng lại cho nhà bảo hiểm đó một phần chi phí bảo hiểm thông qua hợp đồng tái bảo hiểm. Thực chất tái bảo hiểm được hình thành trên cơ sở bảo hiểm gốc nên nó luôn gắn liền với nghiệp vụ bảo hiểm gốc. Doanh nghiệp tái bảo hiểm là doanh nghiệp được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm và luật khác có liên quan để kinh doanh tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm
3/ Vốn điều lệ tối thiểu đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm?
- Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần.
Vậy vốn điều lệ và vốn điều lệ tối thiểu là một khái niệm giống nhau hay đây là khái niệm độc lập, riêng biệt?
- Luật Doanh nghiệp 2020 không có quy định cụ thể về khái niệm “vốn pháp định”. Nghiên cứu trong các văn bản Luật pháp, các bài tạp chí về pháp luật, có thể hiểu vốn điều lệ tối thiểu hay vốn pháp định là mức vốn tối thiểu doanh nghiệp phải có để thành lập doanh nghiệp và chỉ áp dụng cho một số ngành nghề nhất định. Vốn pháp định sẽ khác nhau tùy theo lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh, vốn pháp định phải thấp hơn hoặc bằng với vốn điều lệ. Ví dụ: Muốn thành lập công ty đầu tư chứng khoán thì phải có số vốn tối thiểu là 50 tỷ đồng.
Trong Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2020 quy định mức vốn điều lệ tối thiểu là một trong các điều kiện để một doanh nghiệp bảo hiểm có hay không việc được cấp giấy phép thành lập và hoạt động. Ngày 01/7/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 46/2023/NĐ-CP hướng dẫn thi hành cụ thể về vốn điều lệ tối thiểu đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm.
Cụ thể như sau:
Vốn điều lệ tối thiểu của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ:
(1) Đối với kinh doanh bảo hiểm nhân thọ (trừ bảo hiểm liên kết đơn vị, bảo hiểm hưu trí) và bảo hiểm sức khỏe: 750 tỷ đồng Việt Nam;
(2) Đối với kinh doanh bảo hiểm theo hình thức (1) và bảo hiểm liên kết đơn vị hoặc bảo hiểm hưu trí: 1.000 tỷ đồng Việt Nam;
(3) Đối với kinh doanh bảo hiểm theo hình thức (1), bảo hiểm liên kết đơn vị và bảo hiểm hưu trí: 1.300 tỷ đồng Việt Nam.
Vốn điều lệ tối thiểu của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ:
(1) Đối với kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ (trừ bảo hiểm hàng không, bảo hiểm vệ tinh) và bảo hiểm sức khỏe: 400 tỷ đồng Việt Nam;
(2) Đối với kinh doanh bảo hiểm theo hình thức (1) và bảo hiểm hàng không hoặc bảo hiểm vệ tinh: 450 tỷ đồng Việt Nam;
(3) Đối với kinh doanh bảo hiểm theo hình thức (1), bảo hiểm hàng không và bảo hiểm vệ tinh: 500 tỷ đồng Việt Nam.
Vốn điều lệ tối thiểu của doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe: 400 tỷ đồng Việt Nam.
Vốn điều lệ tối thiểu của doanh nghiệp tái bảo hiểm:
(1) Đối với kinh doanh tái bảo hiểm, nhận nhượng tái bảo hiểm phi nhân thọ hoặc cả hai loại hình tái bảo hiểm phi nhân thọ và tái bảo hiểm sức khỏe: 500 tỷ đồng Việt Nam;
(2) Đối với kinh doanh tái bảo hiểm, nhận nhượng tái bảo hiểm nhân thọ hoặc cả hai loại hình tái bảo hiểm nhân thọ và tái bảo hiểm sức khỏe: 900 tỷ đồng Việt Nam;
(3) Đối với kinh doanh tái bảo hiểm, nhận nhượng tái bảo hiểm cả 03 loại hình tái bảo hiểm nhân thọ, tái bảo hiểm phi nhân thọ và tái bảo hiểm sức khỏe: 1.400 tỷ đồng Việt Nam.
(4) Ngoài ra, đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm được thành lập, tổ chức và hoạt động trước ngày 01/7/2023 có số vốn điều lệ thấp hơn mức vốn điều lệ tối thiểu ở quy định trên thì trước ngày 01/01/2028 phải hoàn thành việc bổ sung đủ vốn điều lệ và ký quỹ theo quy định.
Nếu có thắc mắc hoặc cần tư vấn thêm về vấn đề này, hãy liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại 0988.073.181/0984.588.831 hoặc email lawyers@hdluat.com - doanhnghiep@hdluat.com. HD Luật luôn sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc và đưa đến cho Quý khách những thông tin hữu ích nhất. Rất mong được hợp tác với Quý khách hàng!