Mức Ký Quỹ Mới Nhất Khi Kinh Doanh Dịch Vụ Du Lịch

09/02/2023

           Việt Nam là một đất nước được thiên nhiên ưu đãi nhiều danh lam thắng cảnh đẹp. Vì vậy, nước ta luôn muốn tận dụng thế mạnh này để phát triển du lịch tại Việt Nam. Đối với doanh nghiệp, để đầu tư kinh doanh dịch vụ lữ hành (hay còn gọi là kinh doanh dịch vụ du lịch) thì phải thành lập doanh nghiệp, đáp ứng và thực hiện theo các quy định của pháp luật. Do du lịch là một trong những ngành rủi ro cao nên pháp luật quy định bắt buộc doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành phải ký quỹ trước khi kinh doanh dịch vụ này.

1. Ký quỹ là gì? Mục đích của ký quỹ?

            Ký quỹ là một trong những biện pháp bảo đảm được quy định tại Bộ luật Dân sự 2015. Điều 350 BLDS 2015 quy định: “Ký quỹ là việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ”.

            Từ quy định trên có thể hiểu ký quỹ trong kinh doanh dịch vụ lữ hành là việc doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch gửi một khoản tiền theo quy định của pháp luật vào tài khoản ký quỹ tại ngân hàng nơi doanh nghiệp có trụ sở chính trong suốt thời gian hoạt động kinh doanh lữ hành.

            Mục đích của ký quỹ là giải quyết các vấn đề phát sinh trong trường hợp doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện không trọn vẹn nghĩa vụ đối với khách du lịch. Việc ký quỹ còn được hiểu là để xác định năng lực tài chính của doanh nghiệp, là sự cam kết trách nhiệm với khách du lịch và cơ quan quản lý nhà nước. Thêm vào đó, phần lớn các nước trên thế giới quy định doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành phải ký quỹ để hứa hẹn nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho khách du lịch trong trường hợp bị thiệt hại hoặc trong trường hợp doanh nghiệp bị phá sản. Ví dụ, trường hợp khách du lịch bị chết, bị tai nạn, rủi ro, bị xâm hại tính mạng cần phải đưa về nơi cư trú hoặc điều trị khẩn cấp mà doanh nghiệp không có khả năng bố trí kinh phí để giải quyết kịp thời thì số tiền ký quỹ sẽ được sử dụng trong trường hợp này.

2. Mức ký quỹ mới nhất khi kinh doanh dịch vụ lữ hành

Điều 14 Nghị định 167/2017 NĐ-CP quy định mức ký quỹ như sau:

- Mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa: 100.000.000 (một trăm triệu) đồng.

- Mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế:

          + Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam: 250.000.000 (hai trăm năm mươi triệu) đồng;

          + Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch ra nước ngoài: 500.000.000 (năm trăm triệu) đồng;

          + Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài: 500.000.000 (năm trăm triệu) đồng.

          Tuy nhiên, vừa qua do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên ngành du lịch của Việt Nam cũng như trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề, các số liệu về du lịch trong 02 năm vừa qua giảm chưa từng có. Do đó, để phục hồi và thúc đẩy ngành du lịch trở lại thì Nhà nước đã có chính sách giảm mức ký quỹ đến 80% khi kinh doanh dịch vụ lữ hành. Cụ thể, tại Nghị định 94/2021/NĐ-CP thì mức ký quỹ chỉ còn:

- Mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa: 20.000.000 (hai mươi triệu) đồng.

- Mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế:

          + Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam: 50.000.000 (năm mươi triệu) đồng;

          + Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch ra nước ngoài: 100.000.000 (một trăm triệu) đồng;

          + Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài: 100.000.000 (một trăm triệu) đồng.

Cũng theo Nghị định này, mức ký quỹ ở trên chỉ áp dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2023. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2024, mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành sẽ quay trở lại mức ban đầu theo quy định tại Nghị định số 168/2017/NĐ-CP.

Đồng tiền ký quỹ: Doanh nghiệp phải thực hiện ký quỹ bằng đồng Việt Nam.

Nơi thực hiện ký quỹ: Doanh nghiệp thực hiện ký quỹ tại ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động tại Việt Nam và được hưởng lãi suất theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp và ngân hàng nhận ký quỹ phù hợp với quy định của pháp luật. Đồng thời số tiền ký quỹ phải được duy trì trong suốt thời gian doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành.

3. Thủ tục ký quỹ tại ngân hàng

             Khi doanh nghiệp có yêu cầu nộp tiền ký quỹ vào tài khoản tại ngân hàng, ngân hàng nhận ký quỹ và doanh nghiệp thực hiện giao kết hợp đồng ký quỹ. Hợp đồng ký quỹ có các nội dung chính gồm: Tên, địa chỉ, người đại diện của doanh nghiệp; tên, địa chỉ, người đại diện của ngân hàng; lý do nộp tiền ký quỹ; số tiền ký quỹ; lãi suất tiền gửi ký quỹ; trả lãi tiền gửi ký quỹ; sử dụng tiền ký quỹ; rút tiền ký quỹ; hoàn trả tiền ký quỹ; trách nhiệm của các bên liên quan và các thỏa thuận khác phù hợp với quy định của pháp luật và không trái với quy định tại Nghị định số 168/2017/NĐ-CP.

            Trên cơ sở hợp đồng ký quỹ, ngân hàng nhận ký quỹ thực hiện phong tỏa số tiền ký quỹ của doanh nghiệp gửi tại ngân hàng.

            Sau khi phong tỏa số tiền ký quỹ, ngân hàng nhận ký quỹ cấp Giấy chứng nhận tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành cho doanh nghiệp theo Mẫu số 01 Nghị định số 168/2017/NĐ-CP.

            Trên đây là mức ký quỹ và một số quy định liên quan đến việc ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành.

Nếu có thắc mắc hoặc cần tư vấn thêm về vấn đề này, hãy liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại 0988.073.181/0984.588.831 hoặc email lawyers@hdluat.com - doanhnghiep@hdluat.com. HD Luật luôn sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc và đưa đến cho Quý khách những thông tin hữu ích nhất. Rất mong được hợp tác với Quý khách hàng!

Cùng danh mục

DẠY HỌC ONLINE CÓ PHẢI ĐĂNG KÝ KINH DOANH KHÔNG?

Theo quy định tại Điều 6 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT, một trong những điều kiện bắt buộc đối với các tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường và có thu tiền của học sinh là phải thực hiện đăng ký kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Quy định này nhằm đảm bảo tính minh bạch, có sự quản lý của cơ quan chức năng đối với các hoạt động giáo dục diễn ra ngoài khuôn khổ trường học chính quy. Tuy nhiên, thực tế hiện nay có không ít cá nhân lựa chọn hình thức dạy học trực tuyến tại nhà thông qua các nền tảng công nghệ mà không trực thuộc bất kỳ tổ chức, trung tâm hay cơ sở giáo dục nào. Điều này đặt ra câu hỏi: Liệu những cá nhân dạy học online với hình thức độc lập như vậy có phải thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh hay không? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những phân tích chi tiết nhằm giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này, từ đó có hướng đi phù hợp và đúng quy định pháp luật khi tham gia vào lĩnh vực dạy học trực tuyến.

THAY ĐỔI NGÀNH NGHỀ KINH DOANH

Việc thay đổi ngành nghề kinh doanh là một quyết định quan trọng, phản ánh sự thích nghi linh hoạt của doanh nghiệp trước những biến động của thị trường. Đây có thể là cơ hội để doanh nghiệp mở rộng tiềm năng phát triển, nhưng cũng đi kèm với nhiều thách thức cần cân nhắc kỹ lưỡng. Hãy cùng HD Luật tìm hiểu trong bài viết sau.