Bạn đã biết rõ về công ty hợp danh và thủ tục thành lập công ty hợp danh hay chưa? Công ty hợp danh là một loại hình doanh nghiệp khá phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, khi nói về loại hình doanh nghiệp này nhiều người còn lúng túng không biết chính xác đặc điểm và trình tự thủ tục thành lập công ty này theo quy định của pháp luật như thế nào. Có thể nói, đặc điểm nổi trội nhất của công ty hợp danh chính là các thành viên phải là cá nhân và chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các nghĩa vụ của công ty. Trong khi đó, các thành viên góp vốn thì pháp luật lại quy định các quyền và nghĩa vụ khác biệt hơn so với thành viên hợp danh. Chúng tôi sẽ làm rõ các vấn đề này ngay sau đây.
1. Các đặc điểm của công ty hợp danh
Công ty hợp danh được quy đinh tại Chương VI Luật Doanh nghiệp 2020. Theo đó, công ty hợp danh có một số đặc điểm như sau:
- Về tư cách pháp nhân: Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
- Về chủ sở hữu của công ty: Công ty hợp danh có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty. Các thành viên này phải là cá nhân, được gọi là thành viên hợp danh. Ngoài các thành viên hợp danh thì công ty có thể có thêm thành viên góp vốn.
- Về trách nhiệm của thành viên:
+ Đối với thành viên hợp danh: Giống với doanh nghiệp tư nhân, các thành viên hợp danh của công ty hợp danh phải liên đới chịu trách nhiệm vô hạn bằng bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty.
+ Đối với thành viên góp vốn: Thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty.
- Về việc phát hành chứng khoán: Công ty hợp danh không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.
- Về cơ cấu tổ chức: Công ty hợp danh được tổ chức theo mô hình sau: Hội đồng thành viên, Chủ tịch hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc.
- Về người đại diện theo pháp luật của công ty: Các thành viên hợp danh chính là người đại diện theo pháp luật của công ty.
2. Thủ tục thành lập công ty hợp danh
Công ty chuẩn bị một bộ hồ sơ gồm các tài liệu sau:
1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
2. Điều lệ công ty.
3. Danh sách thành viên.
4. Bản sao các giấy tờ sau đây:
- Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên công ty là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên công ty là tổ chức; Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền.
Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
- Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập hoặc tham gia thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Doanh nghiệp nộp hồ sơ tại Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp dự kiến đặt trụ sở.
Thời gian giải quyết: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Phòng Đăng ký xem xét cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho công ty.
3. Các công việc cần làm sau thành lập
Sau khi nhận được giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, để có thể đi vào hoạt động thì công ty cần phải làm những công việc sau:
- Khắc dấu, làm biển công ty
- Kê khai thuế môn bài
- Đăng ký chữ ký số
- Đăng ký hóa đơn điện tử
Một số công ty cần phải làm thủ tục xin giấy phép kinh doanh đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện khi tiến hành hoạt động kinh doanh.
Trên đây là thủ tục thành lập công ty hợp danh theo quy định của pháp luật. Nếu có thắc mắc hoặc cần tư vấn thêm về vấn đề này, hãy liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại 0988.073.181/0984.588.831 hoặc email doanhnghiep@hdluat.com. HD Luật luôn sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc và đưa đến cho Quý khách những thông tin hữu ích nhất. Rất mong được hợp tác với quý khách hàng!