Điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ giáo dục, pháp luật Việt Nam có quy định như sau:
1. Điều kiện về giáo dục để cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Trước khi thực hiện dự án đầu tư ở Việt Nam thì nhà đầu tư nước ngoài phải làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án. Theo đó, điều kiện để cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án về giáo dục được quy định tại Điều 33 Nghị định 86/2018 như sau:
- Phù hợp với quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
- Tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực giáo dục theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
- Tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép hợp tác, đầu tư các ngành đào tạo theo quy định hiện hành trừ các ngành về an ninh, quốc phòng, chính trị và tôn giáo.
2. Điều kiện cho phép thành lập cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài
Được quy định tại Điều 35 Nghị định 86/2018. Theo quy định này, nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện vốn tối thiểu đối với từng loại hình cơ sở giáo dục, cụ thể:
- Dự án đầu tư thành lập cơ sở giáo dục mầm non: Phải có suất đầu tư ít nhất là 30 triệu đồng/trẻ (không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Tổng số vốn đầu tư ít nhất được tính toán căn cứ thời điểm có quy mô dự kiến cao nhất. Kế hoạch vốn đầu tư phải phù hợp với quy mô dự kiến của từng giai đoạn.
- Dự án đầu tư thành lập cơ sở giáo dục phổ thông: Phải có suất đầu tư ít nhất là 50 triệu đồng/học sinh (không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Tổng số vốn đầu tư ít nhất được tính toán căn cứ thời điểm có quy mô dự kiến cao nhất, nhưng không thấp hơn 50 tỷ đồng.
- Dự án đầu tư thành lập cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn: Phải có suất đầu tư ít nhất là 20 triệu đồng/học viên (không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Tổng số vốn đầu tư ít nhất được tính toán căn cứ thời điểm có quy mô dự kiến cao nhất.
- Dự án đầu tư thành lập cơ sở giáo dục đại học: Phải có tổng số vốn đầu tư tối thiểu là 1.000 tỷ đồng (không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là chủ đầu tư dự án thực hiện việc chứng minh khả năng tài chính theo quy định của Luật Đầu tư. Đến thời điểm thẩm định cho phép thành lập trường đại học, giá trị đầu tư phải thực hiện được trên 500 tỷ đồng.
- Dự án đầu tư xin thành lập phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam: Phải có vốn đầu tư tối thiểu là 250 tỷ đồng (không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Đến thời điểm thẩm định cho phép thành lập phân hiệu trường đại học, giá trị đầu tư phải thực hiện được trên 150 tỷ đồng.
- Đối với các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài không xây dựng cơ sở vật chất mới mà chỉ thuê lại hoặc do bên Việt Nam góp vốn bằng cơ sở vật chất sẵn có để triển khai hoạt động: Mức đầu tư ít nhất phải đạt 70% các mức tương ứng theo từng 04 loại hình đầu tiên.
3. Điều kiện cho phép hoạt động giáo dục
Để được cho phép hoạt động giáo dục, cơ sở giáo dục phải đáp ứng các điều kiện sau đây (Điều 45 Nghị định 86/2018):
- Có quyết định cho phép thành lập cơ sở giáo dục hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn.
- Có quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục.
- Đáp ứng số vốn đầu tư tại phần 2 trên đây.
- Đối với cơ sở vật chất, thiết bị: Tùy vào từng loại hình cơ sở đào tạo mà cơ sở giáo dục phải đáp ứng các điều kiện về diện tích mặt bằng; hệ thống nước và bếp ăn; ánh sáng, bàn ghế, thiết bị, đồ dùng giảng dạy; diện tích dùng cho học tập, giảng dạy; khu để xe phòng của giám đốc, giáo viên, thư viện và các phòng chức năng khác… Các điều kiện này được quy định rõ tại Điều 36 Nghị định 86/2018.
- Đối với chương trình giáo dục:
+ Phải thể hiện mục tiêu giáo dục, không có nội dung gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, lợi ích cộng đồng; không truyền bá tôn giáo, xuyên tạc lịch sử; không ảnh hưởng xấu đến văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam và phải bảo đảm điều kiện liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo.
+ Cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài được tổ chức giảng dạy:
- Chương trình giáo dục của Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam;
- Chương trình giáo dục mầm non, chương trình giáo dục phổ thông của nước ngoài đối với các cơ sở giáo dục cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông (trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học).
- Chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn của nước ngoài; chương trình đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ của nước ngoài trong khuôn khổ các liên kết đào tạo với nước ngoài.
+ Nội dung giáo dục, đào tạo bắt buộc đối với người học là công dân Việt Nam học tập trong các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học và phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài được quy định tại Điều 6, Điều 7 Thông tư 04/2020/TT-BGDĐT.
- Đối với đội ngũ nhà giáo: Tùy từng loại hình cơ sở giáo dục mà đội ngũ nhà giáo phải đáp ứng các điều kiện nhất định về trình độ, tỉ lệ học viên/giáo viên, tỉ lệ giáo viên/lớp, tỉ lệ sinh viên/giảng viên… Các điều kiện này được quy định tại Điều 38 Nghị định 86/2018.
Trên đây là các điều kiện cơ bản để cung ứng dịch giáo dục vụ đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định pháp luật hiện hành. Để hiểu chi tiết hơn về các điều kiện trên, Qúy khách vui lòng tham khảo các quy định tương ứng mà chúng tôi đã trích dẫn.
Nếu có thắc mắc hoặc cần tư vấn thêm về vấn đề này, hãy liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại 0988.073.181/0984.588.831 hoặc email lawyers@hdluat.com - doanhnghiep@hdluat.com. HD Luật luôn sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc và đưa đến cho Quý khách những thông tin hữu ích nhất. Rất mong được hợp tác với Quý khách hàng!